Hoàng hậu nhà Nguyễn Tống Phúc Thị Lan

Sách lập

Năm 1802, Nguyễn vương tiêu diệt Tây Sơn, thống nhất Việt Nam, đặt niên hiệu là Gia Long năm 1806 lên ngôi Hoàng đế lập ra vương triều Nguyễn[24]. Ngày Bính Thân tháng 3 năm thứ 2 Gia Long (1803), sách phong Tống Nguyên phi làm Vương hậu. Tờ sắc văn viết rằng[25]

Đạo trời nhờ công âm dưỡng mà hóa sinh muôn vật, thánh nhân đặt chức nội phụ để nêu gương sáu cung. Xứng đáng vẻ vang, về người đức tốt. Mến nghĩ Nguyên phi Tống thị, nền nếp như ngọc cư ngọc hoàng, dung dáng như ngọc uyển ngọc diễm. Buổi tiềm long[Ghi chú 3], sớm nối duyên lành, trinh tĩnh nổi tiếng tăm thế tộc; ngày mượn tổ[Ghi chú 4] giữ niềm hòa thục, kiệm cần gây vương hóa chốn ghe thuyền. Quả tiêu sai, mà Phước rủ tới đàn con; bóng cù mát, mà yêu chung bao hầu thiếp. Kịp gặp bước nguy, vui cùng bạn tốt. Quanh quẩn dưới ngọn cờ Thang Võ, cùng ta tám chín đời thù sỉ của tiên vương; gieo neo trong đường hiểm Thục Tần[Ghi chú 5], theo ta ba chục năm phong trần nơi nước bạn. Gian truân càng tỏ nết kiên trinh; mềm mại vốn quen chiều lễ độ. Giúp việc hiếu ở cung Trường Lạc[Ghi chú 6], dâng cơm hầu từng đủ vị trân cam; chia nỗi khổ ở núi Cối Kê[Ghi chú 7], tay dệt vải để giúp cho tướng sĩ. Cởi trâm nơi Vĩnh Hạng[Ghi chú 8], vá cho áo cổn lại lành; trông đuốc chốn minh đình, tìm áo giúp vua dậy sớm. Ta nhớ lễ chưng thường dâng chín miếu, vết giấy thơm cùng dẵm trên sương; ta thương tình lao khổ của sáu quân, vẻ mày ngài cũng cau vì tiếng trống. Đầy lo nghĩ mà cầm lòng vững chắc; gặp vận đen mà tỏ đức nhu hòa. Đón gấu giữ vua Hán, kém chi Phùng cơ[Ghi chú 9]; chạy ngựa dựng nghiệp Chu, sánh với Khương nữ[Ghi chú 10]. Non sông dựng lại đã cùng nhau gánh vác gian nan; nhật nguyệt sáng cùng, nên chung hưởng lấy nền phú quý. Noi theo lễ trước, cho được tiếng thơm. Vâng từ mệnh của Vương Thái hậu, đặc biệt sai Chưởng quân Thần võ Phạm Văn Nhơn và Lễ bộ Đặng Đức Siêu bưng sách vàng và ngọc tông[Ghi chú 11] lập làm vương chánh hậu. Ôi! Duy có cách nghiêm kính mới có thể thờ bề trên, có nết nhân từ mới có thể tiếp kẻ dưới. Hậu hay siêng năng thì người ta không dám lười biếng; Hậu hay tần tiện thì người ta không dám xa hoa. Hậu nên nghĩ đó, để nối phước cho tông miếu, để thêm vui cho cháu con. Ôi! Sao thứ hai đế tòa, sánh với vua là hậu, chính từ trong bày tỏ di luân; hào đầu quẻ gia nhân, trọn đạo nhà là hay, trị việc nước cả xem đức hóa. Kính thay, chớ coi thường sắc mệnh này!

Mùa thu năm 1803, vua ban cho dân Bùi Xá (nguyên quán của Vương hậu) 1.000 quan tiền[26].

Năm 1804, có chiếu truy tặng tổ tiên 4 đời họ Tống[27][28]

  1. Tổ 5 đời là Tống Phước Đức làm Dương võ công thần quang tiến trấn quốc đại tướng quân Cẩm y vệ chưởng vệ sự chưởng cơ, thụy là Uy Dũng.
  2. Tằng tổ là Tống Phước Dương làm Đồng đức công thần đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thượng trụ quốc chưởng cơ Dương quận công, thụy là Chất Trực.
  3. Ông là Tống Phước Thành làm Tán trị công thần đặc tiến khai phủ phụ quốc thượng tướng quân thượng trụ quốc chưởng dinh Thành quận công, thụy là Đôn Chất.
  4. Cha là Tống Phước Khuông làm Suy trung dực vận công thần đặc tiến khai phủ phụ quốc thượng tướng quân thượng trụ quốc thái bảo Khuông quốc công, thụy là Cung Ý, lập đền ở Phú Xuân, gọi là đền Tống công. Năm 1832, đổi phong là Đặc tiến tráng võ đại tướng quân Tiền quân đô thống phủ chưởng phủ sự, phong Quy quốc công, đền Tống công sau dời đến Kim Long, đổi tên là đền Quy quốc công.

Dời mộ của Quốc trượng Tống Phước Khuông đến Long Hồ. Ngày an táng, vua đích thân đến đưa tiễn[28]. Sau đó đặt sinh nhật của Vương hậu là tiết Thiên thu. Các quan đều mặc triều phục, đến Hậu điện chúc mừng. Từ đó hằng năm lấy làm lệ thường[29]

Ngày Kỷ Mùi tháng 7 năm Gia Long thứ 5 (1806), vua Gia Long lập Tống Vương hậu lên làm Hoàng hậu[30][31]. Tờ sắc văn viết rằng[32]

Trộm nghĩ thế của Thuần Khôn, sánh với Kiền Nguyên, bắt đầu vương hóa, gây ở nội trị: cùng tôn cùng quý đối với lễ là trinh. Nghĩ đến Vương hậu họ Tống: tiếng nghĩa rộng khắp, nết tốt đầy đủ: giữ việc trong cung cho Trẫm, chốn nấu ăn được nghiêm lặng. Lúc trước trong khi xiêu giạt, trẫm lo nghĩ khó nhọc ở ngoài, Hậu siêng năng giúp đỡ ở trong; gian nan cùng giúp lẫn nhau, hiểm bằng nếm đủ tất cả; khoan thai khép nép rất là kính, tiến dâng ngon ngọt hết đạo hiếu; ơn huệ để cho con cháu, đức trạch khắp tới quân nhưng; ôn hòa kính cẩn kiệm ước đã giúp đỡ ta, đức tốt như ngọc hành ngọc vũ làm khuôn phép trong cung cấm, thói hay ở thơ Quang thủ đem giáo hóa cả thiên hạ, tu tề trị bình, cũng nhờ ở đấy. Trẫm mới hợp lời đình thần tâu xin, đã chính vị Hoàng đế; nghĩ tới ngôi hậu ở trong cùng trẫm cùng trị, chúc ở trong cung; tốt ở triều đình là gốc. Đã dâng lời tâu xin chỉ Hoàng thái hậu, sai Chưởng thần vũ quân kiêm coi quân thần sách là Kiêm quận công Phạm Văn Nhân mang cờ tiết, Hộ bộ thượng thư, Tích thiện hầu là Nguyễn Kỳ Kế làm phó, mang sách vàng ấn vàng, tấn phong làm Hoàng hậu; cho long trọng vị hiệu. Hậu nên nhận lấy danh hiệu cao quý ấy, sửa sang chính sự ở trong cung, kính cẩn việc thờ phụng ở nhà tôn miếu, làm khuôn phép người mẹ cho thần dân, kính siêng sửa đức nghĩ điều nghĩa cho sáng thêm; được hưởng nhiều Phước, giữ tốt mãi không chán.

Về thỏi vàng năm xưa, Hoàng hậu luôn giữ bên mình từ khi Gia Long lên đường đi Xiêm. Sau khi lên ngôi hoàng đế, ông hỏi bà về nửa thoi vàng năm xưa, bà đưa ra và Gia Long mừng rỡ nói[33]

Vàng này còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp trong lúc nguy nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết.

Rồi lấy nửa thoi còn lại ráp thành hoàn chỉnh rồi giao hết cho bà. Hoàng hậu truyền lại cho Minh Mạng.

Về sau, vua Minh Mạng đưa ra vật vàng ấy, dụ các quan thân cận là Phạm Đăng HưngNguyễn Hữu Thận rằng

"Đấy là vật làm tin của Hoàng khảo, khi dời đi xa lưu lại để cho trẫm".

Ông bèn sai khắc chữ Thế Tổ Đế Hậu Quý Mão bá thiên thời tín vật (世祖帝后癸卯播天時信物), rồi đưa vào để ở điện Phụng Tiên[34].

Qua đời và hậu sự

Mộ phần vua Gia LongThừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan

Vào Giờ Tuất ngày Ất Mùi tháng 2 năm thứ 13 Gia Long (khoảng 7 đến 9 giờ tối ngày 22 tháng 2 năm 1814)[2], Tống Hoàng hậu qua đời, hưởng thọ 54 tuổi, quan tài để ở điện Khôn Nguyên. Vua Gia Long vô cùng thương tiếc[32]. Triều đình hạ lệnh cấm mặc đồ màu đỏ, màu tía và dừng việc ca hát của mọi người theo thứ bậc khác nhau[35]. Dụ các quan rằng Hoàng đế để tang Hoàng hậu một năm, là phải lễ. Trẫm ở trong cung để tang một năm, còn từ Hoàng tử xuống bàn định phép để tang có thứ bậc.

Bấy giờ Hoàng hậu chỉ có duy nhất 1 người con trai là Anh Duệ Hoàng thái tử nhưng đã mất sớm, thì đáng lý con trưởng của Thái tử tức là Hoàng tôn Đán phải là người đứng đầu chịu tang và giữ việc thờ tự, các quan đa số đều đồng tình với việc đó. Tuy nhiên ý vua muốn truyền ngôi cho Hoàng tử thứ 4 là Đảm (tức vua Minh Mạng sau này) mà không phải là Hoàng tôn Đán, nên muốn giao việc này cho Đảm làm, mới dụ rằng[32]

Hoàng tử là con của Hoàng hậu, còn có khế khoán ở kia, nên sai làm chủ việc thờ cúng: việc lớn của nước không thể nhất khái câu nệ lễ đích tôn thừa trọng của nhà mọi người.

Quan Tiền quân là Nguyễn Văn Thành cho là lời xưng hô trong văn khấn khó nói[36]. Vua bảo rằng[32][37]

Con phụng mệnh cha để tế mẹ, danh chính ngôn thuận, có gì là không được.

Từ sự việc đó dẫn đến nhiều hệ lụy về sau: Nguyễn Văn Thành bị Gia Long nghi ngờ và bức tử, Hoàng tử Đảm trở thành Thái tử thay vì hai vị đích tôn dòng trưởng, và vụ án loạn luân làm chấn động cả hoàng gia Nguyễn Phước vào năm 1824.

Ngày Mậu Tuất, tháng 7, vua ban tên thụy cho bà là Giản Cung Tề Hiến Đức Chính Thuận Nguyên Hoàng hậu (簡恭齊孝翼正順元皇后), bấy giờ đều gọi bà là Thuận Nguyên Hoàng hậu (順元皇后). Sách văn rằng[38]

Trị bên trong nhờ ở người nội tướng, nên Kinh Thi mở đầu là thiên gây nên nền phong hóa; có đức lớn thì nhận danh hiệu lớn nên Kinh Lễ trọng về điểm tôn xưng lúc tống chung. Lâu nhớ đức hay nêu rõ hiệu tốt. Đại hành Hoàng hậu Tống thị, con nhà danh giá kính giữ lời dạy, tự trời phối hợp cùng trẫm sửa mình, xếp dặt việc nhà, sấm gió đương lúc gian truân phong trần hợp sức giúp đỡ. Trời biển gian hiểm cố gắng giúp ta, quê ngư̖i lạnh lùng, kính hầu mẫu hậu, sớm khuya không trễ, răn bảo cùng nhau, nghĩ cùng trẫm báo phục mối thù cho miếu xã; nghĩ cùng trẫm cứu vớt nỗi khổ cho nhân dân. Cho nên trẫm lấy lại được cõi bờ dẹp yên được trong nước, nghĩ đến Hậu lấy hiếu để phụng thờ tổ tiên, lấy kính để tiếp đãi người dưới, nhân đến phi tần, yêu cả con cháu, ra ơn cả thân hiền, để tâm đến cả làng xóm. Việc đưa đám Thụy lăng, xót thương hết lòng. Trước sau vẫn một tâm đức, trong ngoài theo về người thân. Tuổi thọ chưa đầy sáu chục, xe tiên đã vội xa vời. Nhớ đến người giúp giỏi, cử hành điển chương thường. Bèn xin mệnh lệnh ở tôn miếu, sai Khâm sai chưởng Hữu quân giám Thần sách quân, Khiêm quận công là Phạm Văn Nhân làm chánh sứ. Lễ bộ thượng thư, Hưng nhượng hầu là Phạm Đăng Hưng làm phó sứ, bưng sách vàng, ấn vàng tấn phong tên thụy là: Giản Cung Tề Hiếu Đức Chính Thuận Nguyên Hoàng hậu. Mong nhận lấy tên hiệu long trọng, để tỏ lâu đời. Than ôi! Ghi về việc, nêu về công lễ vẫn nên thế, sống thì vinh, chết thì thương, Hậu nên xét cho.

Khi bà mất, Quốc vương nước Chân LạpNặc Ông Chân cũng xin chịu tang, thành thần đem việc tâu lên. Vua khiến để tâm tang 13 ngày thôi. Nặc Ông Chân bèn sai sứ đến dâng hương[39].

Ngày Quý Mão tháng 3 năm thứ 14 Gia Long, bà được an táng ở bên hữu chỗ huyệt lăng Thiên Thọ, thuộc núi Thụ Sơn, xã Định Môn, huyện Hương Trà. Nay là xã Hương Thọ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyên là vua Gia Long muốn học theo cách hợp lăng (táng 2 vợ chồng vào cùng 1 lăng, hai huyện mộ sát nhau) nên sai Tống Phước LươngPhạm Như Đăng lãnh chức Sơn lăng sứ, khiến cùng Lê Duy Thanh đi xem các núi. Bảy lần bói, chỉ có núi Thọ Sơn là tốt. Bèn đổi tên chỗ đấy là núi Thiên Thọ, trước cửa xây đá làm thềm bậc làm hai cái quách đá ở huyệt, chỗ bên phải là quan quách của Hoàng hậu, còn bên trái là chỗ của vua sau này băng hà sẽ chôn vào đó[40]. Ngày Ất Ty đem thần chủ để ở điện Hoàng Nhân[41].

Qua năm sau bà được an táng tại Thiên Thọ LăngHuế. Về sau năm 1820 khi Gia Long qua đời, huyệt phần của ông ngay bên cạnh bà, khác với các Hoàng hậu khác đều có lăng riêng trong quần thể, Thuận Nguyên hoàng hậu được an táng ngay kế bên Gia Long.

Ngày Tân Mão tháng 6 năm nguyên niên Minh Mạng (1820) dâng thêm tôn thụy là Thừa Thiên Tá Thánh Hậu Đức Từ Nhân Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận Nguyên Cao Hoàng hậu (承天佐聖厚德慈仁簡恭齊孝翼正順元高皇后). Sách văn rằng:

Lễ không gì lớn bằng tôn lấy danh hay; hiếu không gì trước hơn thuật lại đức tốt, nhớ mãi khuôn phép tốt nên tỏ danh hiệu nay. Kính nghĩ: Hoàng tỉ, Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận Nguyên Cao Hoàng hậu, từ hiếu trời phú cho, đoan trang giữ lời dạy, việc nội trợ giúp cơ nghiệp gian nan tu tề trước chính vương hóa, thờ bề trên có dung nghi dịu thuận, trước sau đạo hiếu vẹn tuyền. Giáo hóa làm khuôn phép người mẹ khắp thiên hạ. Tin yêu nuôi nấng mọi người, đến cả phi tần. Tuy xe mây đã sớm đuổi tới cõi tiên, mà đức tốt vẫn lưu nơi cung cấm. Cho nên quả đức nới nối nghiệp lớn, truy tôn đã thuật lại thánh công, nhưng Khôn Nghi trên sánh với Kiền Nguyên nối tốt lại xét theo điển lớn kính cẩn đem các quan xin mệnh lệnh nhà tôn miếu, đem sách ấn dâng thêm tôn thụy là: Thừa Thiên Tá Thánh, Hậu Đức Từ nhân, Giản Cung Tề Hiếu, Dực Chính Thuận Nguyên Cao Hoàng hậu. Cúi xin Thái hậu nhận lấy tên thụy vẻ vang, lên phối hưởng ở cung Nễ. Than ôi! kính trọng người tôn đức đầy khó hình dung ra dược. Anh linh đầy rẫy, Phước nhiều đón hưởng mãi lâu dài, kính rước thánh vị, lên phối hưởng ở điện Minh Thành.

Mùa xuân năm 1822, vua cho rước thần chủ hợp thờ ở miếu Thế Tổ. Năm Nhâm Ngọ (1822), thần chủ của bà được rước vào thờ ở Thế Miếu, ở bên tả thần chủ của vua Gia Long. Bà còn được thờ ở điện Phụng Tiên trong Hoàng thành và điện Minh Thành ở lăng Thiên Thọ[2].